![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhn-KX1gt5xXAOjrBj7dswJuZGg98CQojYLuI0DScGZzElccTaqomeaVn0xF1AohvIxLxBuQ-a-x1r06q-QE-pNuow-Dz276DC54DtLFNBREWxsXM22xoyCdUqP2OxEuhO_-FTyymElNF8/s400/5526.jpg)
Adidas, có lẽ đã quá nổi tiếng để phải suốt ngày đi làm quảng cáo. Điều này không đúng, bởi chính họ đã nhận ra điều quan trọng của việc nhắc nhớ về thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
Nhưng điểm hay của một tập đoàn toàn cầu so với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, là họ làm gì cũng thoả mãn được hai yếu tố: tính thống nhất chung ở mọi quốc gia, lại có một chút tính bản địa để gắn kết với người tiêu dùng tại chỗ.
“Adidas 28 ngày chạy thử” là một chương trình như thế. Nhiều chuyên gia trong ngành kháo nhau: “Chẳng hiểu nó làm cái gì, bắt người ta mua giày, xong cho chạy thử trong 28 ngày. Có hư hỏng gì thì được đổi giày mới ngay. Thế thì có gì khác so với việc cho đổi cho trả cho phàn nàn mà ai cũng biết xài?”. Câu trả lời nằm ở việc trở về “chiêu thức” cơ bản nhất này: chiến thuật khẳng định đẳng cấp thông qua chất lượng.
Tất cả các công ty đều muốn nói với người tiêu dùng: sản phẩm của tôi rất tốt. Nhưng không có mấy ai đủ dũng cảm để nói rằng: “Tôi cam kết rằng anh sẽ không có khả năng phàn nàn gì về sản phẩm của chúng tôi. Sẽ không có bất kỳ lỗi nhỏ nhất nào. Tôi tin rằng anh sẽ thấy mình đã chọn đúng khi dùng sản phẩm của chúng tôi”. Và Adidas thể hiện đẳng cấp của mình bằng cách đối diện với thách thức này.
28 ngày “phơi mình” để người tiêu dùng kiểm định chất lượng, chấp nhận chuyện “vạch lá tìm sâu” của đủ mọi đối thủ cạnh tranh, chuẩn bị sẵn tinh thần cho việc bị khủng hoảng truyền thông khi cam kết chất lượng. Công thức tiếp thị giản đơn với đủ mọi nguy hiểm này lại hết sức hiệu quả với thông điệp quảng bá được chuyển đi rất tốt: Adidas chứng minh cho khách hàng thấy rằng, sản phẩm của mình là đáng đồng tiền bát gạo.
Tiếp thị, quả thật là cần bản lãnh!
0 Nhận xét