Salvatore Ferragamo - Ông vua giày thời trang

Khi đã đam mê với nghề thì người ta có thể sáng tạo ra những sản phẩm tuyệt vời, thậm chí được tôn vinh là huyền thoại. Salvatore Ferragamo là một con người như thế. 

Từ một người thợ thủ công bình thường, ông đã nâng những đôi giày mình đóng lên thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Ngày nay, thương hiệu Salvatore Ferragamo nổi tiếng khắp thế giới về thời trang nhưng vẫn trung thành với những gì mà người sáng lập ra nó cất công tạo dựng.
Salvatore Ferragamo là con thứ mười một trong gia đình có mười bốn con, sinh năm 1898 tại Bonito - một ngôi làng cách Naples khoảng 100km. Ngay từ khi còn là một cậu bé, Salvatore đã bộc lộ hứng thú đối với giày dép. Khi 11 tuổi cậu đã học nghề từ một thợ đóng giày ở Naples và dám mở một cửa hiệu riêng ở Bonito lúc 13 tuổi. Ngay từ khi đó, Salvatore đã quyết tâm biến một nghề được xem là thấp kém trở nên cao quý vì sáng tạo ra được những sản phẩm hoàn hảo cả về chức năng lẫn thẩm mỹ.
Năm 14 tuổi, ông lên đường đến nước Mỹ để cùng với một người anh làm việc cho một công ty lớn chuyên về giày dép ở Boston. Salvatore đã bị cuốn hút bởi máy móc tối tân và các quy trình làm việc nhưng đồng thời cũng nhận ra những hạn chế về chất lượng của giày làm bằng máy. Vào đầu những năm 1920, ông chuyển đến Santa Barbara (bang California) để cùng với người anh khác mở một cửa hiệu sửa giày dép.
California vào những năm đó là một miền đất hứa và ngành điện ảnh tại đây đang lên như cồn. Salvatore bắt đầu thiết kế và đóng những đôi ủng cao bồi cho người miền Tây, những đôi xăng đan La Mã và Ai Cập cho các phim sử thi theo ý đồ của các đạo diễn và nhà sản xuất phim lớn. Các diễn viên nam và nữ bắt đầu biết đến vẻ đẹp và thoải mái của những đôi giày Salvatore và tới tấp đến đặt hàng. Trong khi đó, Salvatore trong quá trình tìm kiếm không ngừng nghỉ về “những đôi giày vừa vặn một cách hoàn hảo” đã nghiên cứu các môn Giải phẫu người, Kỹ nghệ hóa học và Toán học tại một trường đại học ở Los Angeles.
Khi ngành điện ảnh dời tới Hollywood, Salvatore Ferragamo cũng đồng hành theo. Vào năm 1923, ông mở một cửa hiệu giày ủng Hollywood, chính thức khởi đầu nghề nghiệp thiết kế giày cho các ngôi sao như báo chí địa phương từng bình luận. Các tên tuổi nổi tiếng như Mary Pickford, Rudolf Valentino, John Barrymore Jr., Douglas Fairbanks, Gloria Swanson… đã trở thành khách hàng quen thuộc của ông và nhờ đó, tiếng tăm Salvatote Ferragamo vang xa. Ông đi trước thời đại và thay đổi tận gốc thời trang giày dép thời đó. Ông cải tiến giày phụ nữ, từ kiểu cột dây và bít sang những kiểu mới thanh lịch và dễ chịu hơn. Ông cũng là người đã tạo ra những đôi xăng đan đầu tiên.
Salvatore Ferragamo thành công đến nỗi ông không làm kịp các đơn đặt hàng, nhưng thợ ở Mỹ đã không thể làm ra những đôi giày mà Ferragamo thiết kế nên vào năm 1927, ông quyết định trở về Ý, đến Florence, thành phố có truyền thống về ngành thủ công giày dép lập xưởng để ứng dụng kỹ thuật dây chuyền sản xuất vào các hoạt động chuyên môn hóa nhưng hoàn toàn bằng tay của công nhân để liên tục xuất khẩu hàng đến Mỹ.
Dưới thời thống trị của Mussolini, nước Ý bị cấm vận. Ferragamo đưa ra một số thiết kế mới mẻ được ưa chuộng và được bắt chước rộng rãi, nhất là miếng đệm bằng bần vừa chắc vừa nhẹ. Bần, gỗ, dây kim loại, sợi cọ, nỉ và các loại nhựa tổng hợp được ông dùng để thay thế da thuộc và thép - các chất liệu mà nước Ý không nhập khẩu được vì bị hạn chế thương mại.
Với đà thành công của mình, năm 1938, ông đã có thể trả khoản tiền đầu tiên mua trả góp toàn bộ tòa nhà Palazzo Spini Feroni để làm trụ sở của công ty. Không lâu sau đó, ông mua tòa biệt thự “Il Palagio” trên đồi Fiesole làm nơi ở riêng. Vào năm 1940 ông cưới Wanda Miletti, cô con gái trẻ của một bác sĩ địa phương ở Bonito, người đã theo ông đến Florence và sinh cho ông sáu người con, ba con trai và ba con gái.
Sau Chiến tranh thế giới II, trên khắp thế giới, giày của Salvatore Ferragamo trở thành một biểu tượng góp phần tái thiết nước Ý. Đây là những năm Salvatore tiếp tục đưa ra sáng chế đáng nhớ: đế giày gót nhọn gia cố bằng kim loại trở nên nổi tiếng nhờ tên tuổi Marilyn Monroe, xăng đan vàng, và xăng đan “vô hình” với phần trên được làm từ chỉ nylon. Các loại giày này mang lại cho ông Giải thưởng Neiman Marcus uy tín vào năm 1947, rồi giải Oscar thời trang đầu tiên trao cho một nhà thiết kế thời trang giày dép.
Vào năm 1950, nhân viên của công ty ông lên đến 700 người và mỗi ngày có 350 đôi giày được sản xuất thủ công. Thành công một lần nữa mang tầm quốc tế: cửa hiệu Via Tornabuoni trở thành một điểm dừng chân bắt buộc của các ngôi sao như Greta Garbo, Sofia Loren, Anna Magnani, ông bà công tước xứ Windsor và Audrey Hepburn.
Vào những năm này, việc cơ giới hóa sản xuất bắt đầu lan rộng, nhưng Ferragamo vẫn không để máy đảm nhận cho các công việc tỉ mỉ trau chuốt vì chỉ có làm bằng tay với một chế độ giám sát chặt chẽ mới có thể cho ra đời được những đôi giày chẳng khác gì các tác phẩm nghệ thuật.
Khi Salvatore Ferragamo mất vào năm 1960, ông đã thực hiện được giấc mơ lớn của đời mình: sáng tạo và sản xuất ra đôi giày đẹp nhất thế giới. Các thành viên trong gia đình tiếp tục hoàn tất kế hoạch mà ông đã ấp ủ vào những năm cuối đời là biến Ferragamo thành một công ty thời trang nổi tiếng. Người con gái yêu của ông, Fiamma Ferragamo tiếp nối sự nghiệp và đã nhanh chóng trở thành một nhà thiết kế giày dép và thời trang danh tiếng, từng nhận giải thưởng danh giá Neiman Marcus (1967) đúng 20 năm sau ngày cha cô được vinh dự trao tặng.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét