Umbro là hãng sản xuất trang thiết bị phục vụ bóng đá nổi tiếng của Anh được thành lập vào năm 1924. Xét trên bình diện quốc tế, Umbro chỉ thua Nike, Adidas, Reebok.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây Umbro không còn ăn nên làm ra ngay cả tại “thánh địa” của mình là Vương quốc Anh. Các CLB M.U, Chelsea và Celtic đã “nghỉ chơi” Umbro để liên kết với Nike hay Adidas. Dù sao đi nữa, Umbro vẫn còn mối liên hệ chặt chẽ với bóng đá Anh, hãng này là nhà tài trợ chính thức của Premiership, cúp FA và LĐBĐ Anh. Nhưng thị trường Anh đang là mục tiêu của Nike (hãng sản xuất dụng cụ thể thao số 1 TG) trong chiến lược đứng đầu TG về khai thác thị trường khách hàng liên quan đến bóng đá ở thời điểm World Cup 2010 diễn ra tại Nam Phi.
Nike vừa đi nước cờ táo bạo bằng cách mua lại Umbro với giá 582 triệu USD. Như vậy, Nike sẽ nắm quyền tài trợ cho nhiều ĐTQG (trong đó có tuyển Anh, Thụy Điển, Na Uy, Ireland), 6 CLB thuộc Premiership và hơn 100 đội bóng chuyên nghiệp khắp thế giới. Một số danh thủ từng quảng cáo cho Umbro cũng sẽ là khách hàng tương lai của Nike gồm Owen, Deco, Terry, Crespo, Saldago, Luis Garcia (cựu cầu thủ Liverpool), Henrik Larsson…
Đây được xem là chiêu độc của Nike trong cuộc cạnh tranh với liên minh Adidas – Reebok khá mạnh ở Anh. Tổng thư ký FA Brian Barwick đánh giá cao liên minh Nike – Umbro: “FA có mối liên hệ chặt chẽ với Umbro suốt 20 năm qua. Umbro có hợp đồng đến năm 2014 với ĐT Anh. Sự hợp tác giữa Nike và Umbro chỉ làm tăng thêm giá trị của Umbro. Về mặt tài chính, FA cũng sẽ hưởng lợi từ việc cộng tác với Nike”.
Chơi theo kiểu Mỹ (tung nhiều tiền khiến đối thủ choáng ngợp) là chiêu thức mà Nike đang dùng hòng đánh bật Adidas trong cuộc chiến giữa 2 thương hiệu sản xuất trang thiết bị thể thao đứng đầu thế giới này. Mới đây, Nike đã đề nghị LĐBĐ Đức (DFB) cắt hợp đồng với Adidas, hợp tác với Nike theo hợp đồng 680 triệu USD. Tuy nhiên, DFB đã từ chối và tiếp tục hợp tác (đã kéo dài nửa thế kỷ) với hãng “cây nhà lá vườn” Adidas (dù giá trị hợp đồng chỉ bằng nửa so với Nike!).
Lập tức, Nike tính chiêu mới là quay sang thôn tính Umbro. Sau khi Nike chính thức mua lại Umbro, giá cổ phiếu của cả Nike lẫn Umbro đều tăng từ 10 – 15%. Giám đốc điều hành Nike Mark Parker rất hồ hởi: “Nike đang đánh mạnh vào thị trường khách hàng liên quan đến bóng đá và rất thành công. Doanh số bán hàng của chúng tôi trong năm 2006 là 3,1 tỷ USD, gấp 35 lần so với cách nay 13 năm. Umbro sẽ tiếp sức cho Nike. Doanh thu của Umbro trong năm 2006 là 280 triệu USD, kế hoạch sắp tới của Umbro là mở thêm 700 cửa hàng (hiện tại là 1.800 cửa hàng) trong 2 năm nữa tại nhiều nước trên thế giới”.
Theo dự tính của các chuyên gia kinh tế, Nike sẽ tăng thêm 10% doanh số kinh doanh ở thị trường bóng đá sau khi mua Umbro. Đây là điều Adidas cần suy gẫm. Sau khi mua Reebok (Mỹ) với giá 3,8 tỷ USD vào năm 2005, Adidas đã tấn công Nike ngay tại “thánh địa” của hãng này bằng cách giành quyền tài trợ cho giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA). Adidas đã đi những bước quan trọng đầu tiên trong kế hoạch chinh phục thị trường Mỹ.
Từ trước đến nay, đây là thị trường tiềm năng của Nike. Trong năm 2005, doanh số bán hàng của Nike trên khắp thế giới là 14 tỷ USD, hơn của Adidas (8 tỷ) và Reebok (4 tỷ) cộng lại. Sau khi sáp nhập với Reebok, Adidas đang rút ngắn khoảng cách với Nike nhưng khoảng cách này rất có thể sẽ lại nới rộng sau khi Nike thôn tính Umbro sau cuộc thương lượng diễn ra chỉ trong 1 tuần.
0 Nhận xét