Mang biệt hiệu "Pen", chiếc máy ảnh số này không phải dạng ngắm chụp, cũng không phải dạng SLR chuyên nghiệp, nó nằm ở "khoảng giữa".
Mang biệt hiệu là “Pen” (cây bút), chiếc máy ảnh số Olympus E-P1 không phải là dạng máy ngắm-chụp, cũng không phải là máy SLR chuyên nghiệp. Theo Olympus, E-P1 là “cây bút” cho bạn “vẽ” mọi thứ. Máy SLR quá nặng, cồng kềnh trong khi máy ảnh ngắm chụp tuy nhẹ nhưng chất lượng hình ảnh lại không vừa ý. E-P1 là một trong những model hiếm hoi nằm ở “khoảng giữa” này. Qua thử nghiệm của Test Lab, nó làm được điều này, và còn nhiều thứ khác nữa. gợi cảm ...
Vậy Olympus E-P1 là dạng máy gì? Thiết kế bên trong “cây bút” về cơ bản giống với thân máy SLR và cảm biến thông thường, ống kính gắn rời. Tuy vậy, Olympus thu nhỏ kích thước đến mức tối thiểu hệ cơ này không có kính ngắm quang học mà ngắm qua LCD, không có đèn flash tích hợp và nhất là không có gương phản chiếu (vì máy không có ống ngắm quang). E-P1 vẫn có màn trập như máy SLR với cảm biến kích thước 4/3”, tỉ lệ 4:3 và có chức năng chống bụi bằng sóng âm. Ngoài ra, Olympus dùng cảm biến Live MOS do chính họ kết hợp với Panasonic phát triển, được cho là kết hợp được những ưu điểm của công nghệ CCD và CMOS trước đây - chất lượng hình ảnh tốt, giảm thiểu nhiễu và tiêu tốn ít năng lượng.
Một điểm đáng chú ý khác là Olympus E-P1 dùng ngàm ống kính trong hệ 4/3” (Four Third) nhưng cải tiến cho nhỏ hơn, thành ngàm Micro Four Third (có thể dùng được với ống kính 4/3” nhờ adapter). Do đó, hình ảnh sẽ có tỉ lệ 4:3, hơi vuông hơn tỉ lệ 3:2 của các dòng máy SLR hay máy phim 35mm thường thấy.
Do cảm biến nhỏ, không có gương phản chiếu nên Olympus “gói gọn” máy hơn nữa vì chiều dài từ ống kính đến cảm biến được rút ngắn thêm khoảng 6mm. Nhược điểm của hệ ống kính 4/3” là do cảm biến nhỏ (đường chéo 4/3”, tương đương 17,3x13mm) nên chất lượng hình ảnh không mấy hứa hẹn so với cảm biến kích thước lớn hơn; tỉ lệ 4:3 không mấy phù hợp với tầm nhìn của mắt người. Bạn vẫn có thể chỉnh tỉ lệ ảnh sang tỉ lệ khác nhưng không đạt được độ phân giải cao nhất.
Bạn có ít chọn lựa về ống kính cho E-P1, chỉ có M.Zuiko Digital 17mm f2.8 và M.Zuiko Digital ED 14-42 f3.5-5.6 (có 2 màu đen và bạc), có ngàm Micro 4/3” dành riêng cho E-P1. Ngoài ra, bạn cũng chỉ có 4 chọn lựa về đèn flash (FL-14, FL50R, FL-36R và FL-20). Kèm theo máy có kính ngắm quang VF-1, gắn trên đế của flash, tương đương ống kính 1 khẩu M.Zuiko Digital 17mm f2.8.
E-P1 có lớp vỏ bằng kim loại trông rất cổ điển, pha lẫn chất công nghệ qua hệ thống điều chỉnh mặt sau máy. Mặt trên và dưới của máy bằng nhôm, còn mặt bên là thép không gỉ với tông màu bạc sáng, trau chuốt từng góc cạnh. Vùng tay cầm có miếng đệm da, vừa cổ, vừa hiện đại. Gắn cả ống kính 1 khẩu f2.8, pin và thẻ nhớ, máy nặng 484g nên bạn sẽ có cảm giác khá “chắc tay” trong những tình huống chụp tốc độ chậm. Bố trí các nút điều chỉnh của máy rất dễ thao tác, phím bấm, vòng xoay lớn. Màn hình LCD 3” cho hình ảnh rất sắc sảo, sáng ngay cả ngoài trời nắng gắt.
Máy dùng pin lithium-Ion và có lẽ nhờ vào cảm biến Live MOS và không có đèn flash nên thời gian sử dụng pin rất lâu. Thử nghiệm sơ bộ khi chụp cả ngày ngoài trời pin vẫn chưa cạn.
... và mạnh mẽ
E-P1 không chỉ kết hợp được về thiết kế của dòng máy ngắm-chụp và SLR mà còn có cả những tính năng tiên tiến trên cả 2 dòng máy này. Ví dụ khả năng chống rung cảm biến IS (Image Stabilizer) với 3 mức độ, tự động khử bụi cho cảm biến bằng sóng siêu âm, nhiều chế độ chụp định sẵn bên cạnh các chế độ chụp A, M, S cho bạn tự chỉnh tốc độ, khẩu độ, xử lý ảnh sau khi chụp, chụp hiệu ứng và đặc biệt là khả năng quay video độ nét cao (1280x720) có âm thanh. Giao diện của máy khá thân thiện, dễ truy cập và thao tác. Máy hoạt động khá nhanh, bạn có thể chụp được ngay khi vừa bật máy. Chức năng xem lại hình ảnh khá thuận tiện, nhất là tính năng duyệt theo ngày tháng. Chức năng nhận diện gương mặt khá hiệu quả, không chỉ ở chế độ chụp mà cả khi xem lại nhờ máy tự động zoom vùng có khuôn mặt ...
Thử nghiệm trên ống kính M.Zuiko Digital 17mm f2.8, chiếc Olympus E-P1 12,3Mp cho hình ảnh rất tốt, cân bằng trắng hiệu quả, nhận diện điều kiện sáng rất tốt và tỏ ra rất “có duyên” với ảnh chân dung, cận cảnh vì màu sắc tươi, thực. Màu da người thể hiện tự nhiên dưới ánh sáng trời, tuy vậy, lại hơi ngả xanh dương khi chụp trong bóng râm. Đáng chú ý là ảnh chụp đêm rất ít bị hạt, có thể đây là “quả ngọt” từ cảm biến Live MOS, cho dù chụp ở ISO cao 1600 hay thậm chí 3200, hạt xuất hiện nhiều nhưng các mảng tối trông vẫn “dễ chịu” hơn nhiều nếu so với các model khác dùng cảm biến CMOS hay CCD. Với chức năng chống rung IS thiết lập ở mức 3 (cao nhất), bạn có thể cầm máy trong tay, tự tin chụp với tốc độ 1/10 giây không cần flash. Chất lượng phim HD cũng khá tốt, hình ảnh sắc nét tuy màu sắc hơi bị “chai” và chưa thật tươi.
Tuy nhiên, một số điểm yếu của E-P1 là xử lý ảnh chụp chế độ Art (hiệu ứng) còn chậm, lấy nét tự động khi quay phim chưa ổn định.
Có thể Olympus E-P1 có quá nhiều tính năng đối với người dùng phổ thông chỉ cần chiếc máy ngắm chụp gọn nhẹ nhưng thực sự là “món quà” cho người dùng bán chuyên nghiệp. E-P1 có thể đáp ứng cho người đang dùng máy ngắm-chụp nhưng muốn lên DLR hay người đang dùng máy DLR nhưng ngại sự cồng kềnh. Nếu bạn đã tinh thông nhiếp ảnh và đang tìm model ống kính rời nằm gọn trong lòng bàn tay, thiết kế hoài cổ nhưng nhiều tính năng hiện đại, chất lượng ảnh tốt thì E-P1 rất phù hợp.
Ưu điểm: Gọn nhẹ, thiết kế rất đẹp, vừa cổ điển, vừa hiện đại; Chất lượng ảnh rất tốt, ảnh ít nhiễu hạt; Pin dùng lâu; Quay phim chất lượng HD 720p
Khuyết điểm: Hệ ống kính chỉ có 2 model; Ít khả năng zoom (tối đa 3x với ống kính M.zuiko Digital ED 14-42 f3.5-5.6); Không có đèn Flash tích hợp
0 Nhận xét