Chiến hạm đa năng Gepard 3.9 (project 11661) - 175.000.000 USD

 
Gepard 3.9 (project 11661) là khinh hạm do nhà máy Zelenodolsk phát triển và chế tạo phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Gepard 3.9 được thiết kế cho nhiệm vụ tuần tra, hộ tống, có thể tấn công tiêu diệt mục tiêu tàu nổi hoặc mục tiêu trên không. Gepard 3.9 tác chiến độc lập hoặc theo đội hình.
Năm 2007, Việt Nam đã ký với Nga đóng mới 2 khinh hạm Gepard 3.9. Chiếc đầu tiên đã được chuyển giao cho Việt Nam vào tháng 3/2011 và được đặt tên là Đinh Tiên Hoàng (HQ-011), chiếc thứ hai mới về tháng 7/2011.


Thiết kế
Khinh hạm Gepard 3.9 có lượng giãn nước 2.100 tấn, kích thước cơ bản 102,2x13,1x5,3m. Số lượng thủy thủ đoàn là 103 người, hoạt động liên tục trên biển 20 ngày. 
Thân tàu được đóng bằng hợp kim nhôm, chia làm 10 khoang kín nước. Hợp kim nhôm – magie sử dụng cho cấu trúc thượng tầng. Tàu thiết kế có thể nổi ngay cả khi hai bên khoang đã ngập nước. Gepard 3.9 triển khai hệ thống vũ khí kể cả trong điều kiện sóng gió cấp 5.
Hệ thống điện tử
Khinh hạm Gepard 3.9 được trang bị nhiều hệ thống điện tử cực kỳ hiện đại đáp ứng nhu cầu tác chiến trên biển.
Đầu tiên, phải kể đến hệ thống quản lý thông tin chiến đấu Sigma E. Sigma E được sử dụng để điều khiển tàu chiến trên cơ sở thống nhất vũ khí vô tuyến điện tử thành tổ hợp chung, tự động hóa các quá trình xử lý, thông qua quyết định chỉ huy lực lượng và vũ khí chiến đấu.
Tàu còn lắp radar bám bắt mục tiêu trên không/trên biển Pozitiv-ME, hệ thống định vị quán tính Gorizont-257 gồm radar định vị Gorizont-25, hệ thống định vị toàn cầu NT200D, hệ thống nhận diện “bạn – thù” 67R, hệ thống liên lạc tự động Buran-6VE hệ thống đối phó trả đũa điện tử MP-407E, hệ thống mồi bẫy PK-10 (4 cụm, mỗi cụm 10 ống phóng). 
Hệ thống vũ khí
Hỏa lực của khinh hạm Gepard 3.9 gồm:
- Tổ hợp pháo Ak-176M được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu trên biển, trên đất liền và trên không (gồm cả tên lửa hành trình đối hạm). Tổ hợp gồm: pháo hạm Ak-176M cỡ nòng 76,2mm, hệ thống kiểm soát hỏa lực MR-123-02/76 với thùng đạn dự trữ. 
Pháo 76,2mm có tốc độ bắn 60-120 viên/phút, tầm bắn tối đa 15,5km, kíp điều khiển pháo 2 người (chế độ tự động, tự nạp đạn) hoặc 4 người (chế độ thao tác thủ công).
- Tổ hợp pháo phòng thủ tầm cực gần Ak-630 được sử dụng để tiêu diệt mục tiêu tên lửa hành trình đối hạm hay vũ khí chính xác cao khác, bắn hạ máy bay cánh cố định hay trực thăng bay thấp, tấn công tàu cỡ nhỏ trên biển.
Tổ hợp có tên đầy đủ là A-213-Vympel-A gồm 1 pháo Ak-630M 6 nòng cỡ 30mm, hệ thống radar kiểm soát hỏa lực MR-123-02, thiết bị theo dõi quang điện SP-521. 
Theo đó, hệ thống radar quét tìm mục tiêu trên không và trên biển ở cự ly 4km và 5km tương ứng. Thiết bị quang điện phát hiện mục tiêu trên không với kích cỡ máy bay MiG-21 ở cự ly 7km trong khi đối với kích cỡ tàu phóng lôi trên biển có thể phát hiện từ cách 70km.
Pháo Ak-630 hoạt động tự động hoàn toàn hoặc được điều khiển từ xa bởi sĩ quan ngồi ở phòng điều hành. Ak-630 có tốc độ bắn 5.000 viên/phút, tầm bắn tối đa 4.000m.
- Tổ hợp pháo/tên lửa phòng không Palma-S được thiết kế để tiêu diệt máy bay trực thăng, cánh cố định, bom lượn, tên lửa hành trình đối hạm, tàu cỡ nhỏ và mục tiêu trên bờ biển cỡ nhỏ.
Đặc điểm nổi bật của tổ hợp Palma là:
+ Tổ hợp vũ khí hiệu quả cao được kết hợp giữa tên lửa đối không dẫn đường laze Sosna R (tầm bắn 1.300-8.000m, bay cao 2.000-3.500m) và hai pháo tự động 6 nòng cỡ 30mm (tầm bắn 200-4.000m, tốc độ bắn 10.000 viên/phút). 
+ Hệ thống điều khiển quang học đa kênh có độ chính xác cao, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Nó bao gồm: kênh TV và IR, laze đo xa, kênh điều khiển tên lửa dẫn đường laze.
+ Tổ hợp tự động hóa hoàn toàn đạt hiệu suất cao trong chiến đấu.
+ Tổ hợp có khả năng kháng nhiễu cao.
-  Hệ thống tên lửa trên hạm Uran E trang bị tên lửa hành trình đối hạm Kh-35E (8 quả) thiết kể để tiêu diệt tàu tên lửa, tàu pháo, tàu phóng lôi, tàu nổi có lượng giãn nước đến 5.000 tấn.
Tên lửa Kh-35E (định danh của NATO là SS-N-25) là tên lửa hành trình đối hạm tầm ngắn. Tên lửa có chiều dài 4,4m, đường kích 0,42m và khối lượng phóng 630km. Tên lửa có 4 cánh tam gia ở giữa thân và 4 cánh tam giác điều khiển ở đuôi.
Kh-35E trang bị một động cơ rocket nhiên liệu rắn (khi rời bệ phóng) và một động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy cho hành trình bay tới mục tiêu, tốc độ bay cận âm Mach 0,8.
Trong giữa hành trình bay tên lửa cung cấp hệ thống định vị quán tính, ở cuối hành trình sử dụng radar chủ động tự dẫn tới mục tiêu. Tên lửa lắp đầu đạn xuyên giáp nặng 145kg, tầm bắn xa tối đa 130km. 
Kh-35 Uran được đánh giá là loại tên lửa có khả năng kháng cự hỏa lực và các biện pháp gây nhiễu điện tử của đối phương.
Về tính năng chống ngầm, có vẻ các tàu Gepard chuyển giao cho Việt Nam không được thiết kế với hệ thống định vị siêu âm dưới thân, không có ngư lôi hay hệ thống rocket chống ngầm. Vì vậy, trong tác chiến chống ngầm Gepard 3.9 phụ thuộc hoàn toàn vào trực thăng săn ngầm Ka-28 (boong đáp ở đuôi tàu).
Động lực
Gepard 3.9 lắp hệ thống động cơ kết hợp diesel và gas gồm hai động cơ tuốc bin khí và động cơ diesel Type 61D.
Khinh hạm có tốc độ tối đa khoảng 28 hải lý/h, tầm hoạt động 5.000 dặm (nếu chạy với vận tốc 10 hải lý/h). 
(theo Autonet)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét